Trích Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại – Huỳnh Hữu Ủy – VAALA xb, California, 2008
Về các họa sỹ trẻ khác như Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em, Nghiêu Đề, Nguyễn Cao Nguyên, Cù Nguyễn, chúng ta hãy lắng nghe tiếp nhận định của Nguyễn Trung.
Khoảng năm 1963, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm thường triển lãm chung với nhau với nhau với những tác phẩm biểu tượng đầy bi quan. Lần lần hai khuynh hướng của họ càng khác nhau.
Nguyễn Phước có lẽ là người thay đổi nhiều nhất, không phải chỉ đối với Nguyễn Lâm mà đối với phần đông các họa sỹ đồng thời. Anh khởi đầu bằng những nhân vật khắc khổ với đôi mắt sâu đen, màu sắc đạm bạc. Khoảng 1966-1967, anh chuyển hẳn sang lối trừu tượng với màu sắc mịn màng tế nhị hơn cho tới nay. Về nội dung, tranh Nguyễn Phước cũng chuyển hẳn từ cực này tới cực kia, từ những ưu tư bi quan chuyển sang đường lối thuần túy tạo hình. Hẳn nhiên sự chuyển hướng này chưa ngừng và chúng ta chờ nghe tiếng nói dứt khoát của Nguyễn Phước.
Riêng Nguyễn Lâm, sự chuyển biến rất ít và gần như không có thay đổi lắm trong kỹ thuật, hay có cũng chỉ là những mầu sử dụng. Trước kia, anh hay tô nền đen và đặt màu vàng cam lên trên, tạo không khí tranh sáng tranh tối. Dần dần vàng cam được thay thế bằng màu xám lục, xám hồng. Nội dung thì có sự thay đổi nhiều: trước kia là những hoạt cảnh của gia đình nghèo, những người lao động, nay với lối vẽ bán trừu tượng, anh thích diễn tả tĩnh vật hoặc nếu vẽ nhân vật thì họ có vẻ thơ thới hơn trước.
Một người vẽ tranh đầy thơ mộng khác, có lẽ là thơ mộng nhất trong phòng tranh này là Nguyên Khai. Nguyên Khai bắt đầu bằng lối vẽ tượng hình. Khoảng 1963, anh chú trọng đặc biệt màu xám. Qua 1964 anh chuyển sang sử dụng những màu trong suốt làm phông với những đường cong trang trí cho các nhân vật thiếu nữ của anh hoặc các nhân vật được vẽ bằng dao gây ấn tượng về những mảnh gương vỡ. Đến 1966, cũng như số đông họa sỹ trẻ khác, anh khám phá ra Klee trong chiều hướng thơ mộng. Hiện nay, trong những tranh khổ nhỏ của anh, chúng ta tìm thấy cái không khí của tình yêu, của huyền thoại.
Nguyễn Lâm: Chim và Trắng – sơn mài
Mang tính chất huyền thoại cũng là đặc tính tranh Hồ Thành Đức. Tuy nhiên hình thức lại khác hẳn Nguyên Khai: với phương tiện nghèo nàn – giấy báo, ảnh màu ở các tạp chí – Đức tạo được một lối diễn tả khá phong phú, một không khí huyền thoại vỡ tan, hoặc hình ảnh của một xã hội đổ nát.
Ngược lại với hình ảnh của Đức, tranh của Đỗ Quang Em thường là không khí êm ấm hoặc những nỗi buồn nhẹ nhàng với không khí tranh sáng tranh tối thời Phục Hưng. Đỗ Quang Em có biệt tài về lối vẽ hiện thực bằng những màu nâu, đất vàng và đỏ ấm cúng, và anh biết dùng biệt tài đó để quyến rũ người coi tranh. Cùng sử dụng màu nóng ấm nhưng trên lụa là họa sỹ Nguyễn Cao Nguyên, anh có lối viền nét to đậm và sắc, tạo cho nhân vật của mình một vẻ đẹp khắc khổ, một biểu tượng mạnh mẽ và đặc biệt Việt Nam. Nguyễn Cao Nguyên được nhắc đến nhiều nhất khoảng 1959-1961, sau cuộc triển lãm thành công của anh ở Phi Luật Tân. Anh là một trong hai sáng lập viên và là chủ tịch đầu tiên của Hội Họa sỹ Trẻ Việt Nam.
Nguyễn Phước: Cô Dâu – sơn dầu
Nếu Nguyễn Cao Nguyên chuyên sử dụng màu nóng ấm thì Nghiêu Đề lại thích những màu ngược lại, tái xanh, lạnh lẽo. Không khí của anh là không khí siêu thực của chuyện tình. Chuyện được kể chậm rãi từ tốn, hiền hòa và hoàn toàn tưởng tượng.
Hồ Hữu Thủ có lối vẽ trầm tĩnh hơn, sâu sắc hơn, không kiểu cách như những năm gần đây. Hình thể, màu sắc đều được giản dị hóa đã cho thấy lộ dần cá tính của anh.
Cuối cùng, Cù Nguyễn với không khí thâm trầm, tạo bằng nền thường là nâu sậm, với những hình thể vỡ tan của một thế giới đầy bất trắc, được tô bằng những màu trong suốt, óng ánh. Khoảng năm 1962 về trước, Nguyễn theo đuổi khuynh hướng tượng hình, những hình thể với đường viền đậm và màu xám, hồng lục đắp dày. Trong vòng 10 năm sau cùng, Nguyễn khám phá ra Bissier, bị hấp dẫn bởi kỹ thuật tô màu của họa sỹ này rồi tạo được đường nét riêng của mình.
Nhìn chung, trong một toàn thể với nhiều khuynh hướng khác nhau, có thể mỗi người là một khuynh hướng, chúng ta thấy hiện lên một ý thức, một cố gắng chung: đó là làm nổi bật một nền hội họa và điêu khắc Việt Nam.