Họa sỹ Hồ Hữu Thủ: Tâm hồn không vắng lặng

Trần Tử Văn - Tháng 4 năm 2021

“Sự tìm tòi khởi đầu nhằm vào ngoại giới, chính tại nơi này mà con người tìm kiếm lời giải đáp cho mọi vấn đề sâu ẩn. Con người muốn tìm ở khắp ngoại vật cố ghi lại những hình ảnh để thỏa mãn niềm khát vọng mỹ cảm của mình. Con người muốn miêu tả cụ thể những ấn tượng của bản tâm mình với mọi điều chất chứa bên trong, và thật sự con người đạt được một phần lời giải đáp về những quan niệm diệu kỳ về Thượng đế, thẩm mỹ, sự vật, thiên nhiên và những hiện tượng. Những ý niệm đó đã đến từ thế giới bên ngoài.

Với tôi, sự thật không ở thế giới bên ngoài, mà chỉ có ở thế giới vô thức, huyền thoại, của nội tâm mẫn cảm. Ở đó mới sáng tạo ra thế giới mới hơn, rực rỡ hơn; ở đây chỉ còn lại cái Chân Thiện. Hội họa là một trò chơi của một tâm hồn vắng lặng đầy Sự thật và được biểu hiện qua những ẩn ngữ của mọi người đang có, đang khao khát, thứ dấu ấn tinh khiết vụt mở ra làm ta ngạc nhiên trong say đắm…”.

Hồ Hữu Thủ triết lý về nghề như một nhà mỹ học. Thật ra, trước mỗi cái đẹp, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau, sự cảm thụ về thẩm mỹ, màu sắc, hình dáng, chi tiết luôn liên quan đến xúc cảm, sự hiểu biết, thậm chí là tâm tính của người thụ hưởng. Trực giác sẽ dẫn hình tượng lên bộ não và chi phối bởi tâm hồn nóng hay lạnh, thích đơn giản hay cầu kỳ, ưa mềm mại hay rắn rỏi, muốn trầm lắng hay sôi động. Tính thẩm mỹ rất khó bàn luận, không ai có thể áp đặt cái ưa thích hoặc phản bác của mình vào suy nghĩ của của người khác, thuyết tương đối là thước đo cho những giá trị không thuộc về toán học. Xã hội thừa nhận Mai – Lan – Cúc – Trúc là “tứ đại cây quý”, nhưng rất nhiều họa sỹ lại thể hiện khả năng, thủ pháp của mình qua cây Sen. Người khai thác sâu về chiếc lá, người thích vẽ hoa lúc còn nụ, người lại cho mở toang những cánh hồng mơn mởn. Sen cũng là loại thực vật cao quý, tượng trưng cho sự thanh khiết của tâm hồn, tính quân tử của những người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, hình ảnh gợi cảm lạ thường giữa muôn ngàn hoa thơm, cỏ lạ.

Hồ Hữu Thủ cũng thường vẽ Sen. Song Sen trong tranh của Hồ Hữu Thủ thường không đứng chơ vơ, mà ẩn hiện bên cạnh một thiếu nữ khỏa thân, lộ ra bất chợt ở một khoảng sáng tối, đan xen trong chiếc áo dài thướt tha, mềm mại, người phụ nữ trong ý tưởng của ông luôn thuần khiết, siêu thoát. Ông không thiên về phần nhục dục, bản ngã, mà hướng người cảm thụ nên thấu rõ sự thiêng liêng, cao cả mà tạo hóa đã ban cho loài người, sự trắng trong của tâm hồn mới là bên vững, quyết định của cuộc sống. Sen của Hồ Hữu Thủ không làm vai trò tô điểm, mà mang một triết lý sâu xa về tâm thức, hướng đạo con người suy nghĩ những điều thánh thiện, gợi cảm trong ý thức chiêm ngưỡng thanh cao…Ông vẽ đẹp cả trên vải lẫn sơn mài, điêu luyện cả trường phái trừu tượng lẫn siêu thực. Ở mảng tranh siêu thực, thường miêu tả nét đẹp của những người phụ nữ, ông ít khi nào lặp lại những hình ảnh đã thể hiện, luôn luôn mới, luôn luôn tạo ra sự thích thú, khám phá cho người thưởng ngoại. Tranh của ông đa sắc màu, nhiều nét tương phản đan chồng lên nhau, nhưng thủ pháp tạo ra “ánh sáng” rất tài tình, giúp người xem có thể phân biệt đâu là chủ thể, đâu là ý tưởng mà tác giả muốn bộc bạch. Cách vẽ của ông khá hiện đại, không trùng lẫn với bất cứ cây cọ nào từ cổ chí kim, thoạt nhìn rất “Tây” nhưng nội dung lại đậm chất Á Đông. Hầu như những người sưu tập tranh của Hồ Hữu Thủ đều có cùng nhận xét: “Đó là sự lãng mạn tinh khôi, thánh thiện, hướng con người đến cái đẹp thuần khiết, tạo sự ấm áp, thanh tịnh cho ngôi nhà…”. Rồi cũng không ít người kinh ngạc trước sức sáng tạo mạnh mẽ, vô bờ bến, cái mới cứ luôn luôn phát kiến trong đầu tác giả: “Ông ấy sinh ra để vẽ. Dường như Thượng đế đã ban cho ông ấy một bộ óc tinh anh, chứa đầy cái đẹp của muôn loại…”.

Sen Trắng - Sơn dầu

Hồ Hữu Thủ vẽ tranh từ năm 17 tuổi, ngay bức đầu tiên (phong cảnh ở biển Long Hải), đã được trao giải nhì của hãng ESSO, xếp trên những người được gọi là thầy, đàn anh, đàn chị trong nghề. Năm nay ông 80 tuổi, có thể được coi là cuộc hành trình khá dài, một cuộc phiêu lưu kỳ thú mà hành trang chỉ có cái đầu và cây cọ. Làm việc cần mẫn, nghiêm túc, sức sáng tạo không ngừng vươn xa, bay cao, bầu nhiệt huyết vẫn nóng với nghề, lan tỏa hơi ấm yêu thương cho đời, cho người.

Ông là ngôi sao sáng rực trên bầu trời mỹ thuật, thành tựu rực rỡ của một quá trình lao động phải chăng đã minh chứng cho lời đúc kết của một danh nhân: “Cuộc đời sẽ cho ta những gì mà ta đã bỏ vào đó”!!!